Bí quyết, nhân tố để làm kinh tế giỏi
Bạn muốn làm kinh tế giỏi?
Kinh tế học không phải là khoa học tự nhiên. Cũng không phải là khoa học xã hội. Kinh tế học là khoa học về hành vi.
Chính vì vậy, để giỏi làm kinh tế, hiểu sâu về nó để có thể kiếm tiền được, từ bất động sản đến chứng khoán đến sản suất hay kinh doanh bất cứ cái gì, người ta phải hiểu rõ tâm lý đám đông và cá nhân đó phải có óc già dặn, trải đời, va chạm cuộc sống.
Kinh tế học còn là khoa học của SỰ LỰA CHỌN. Từ nhỏ, càng được độc lập về lựa chọn, thì lớn lên, người đó càng giỏi về kinh tế. Vì đời là n ngã ba cần rẽ. Người độc lập tự nhỏ ra quyết định nhanh, rẽ trái, rẽ phải, đi thẳng. Người ở nhà với cha mẹ nhiều sẽ không có sự lựa chọn, ngay cả bữa sáng cũng đã theo ý cha mẹ rồi. Đó là lý do dân thành phố, sau khi ra đời thường kém hơn dân tỉnh, nhất về mặt khởi nghiệp. Dân Cần Thơ mà học ĐH Cần Thơ xong, xin việc làm tốt đã là giỏi. Dân Hà Nội mà ở với cha mẹ, học xong ĐH nào đó ở Hà Nội, chìm nghỉm hết, ít ai khởi nghiệp. Dân Sài Gòn cũng vậy, gần như sân chơi mở công ty, xí nghiệp, nhà máy sau khi ra trường là sân chơi của các bạn ở tỉnh khác lên. Dù năm nhất vào, các bạn ấy vẫn quê mùa, ngơ ngác. Nhưng năm 3 là không phân biệt được đứa nào tỉnh, đứa nào phố.
Nếu bạn muốn con cái bạn thành công, giỏi giang, vùng vẫy với đời, 18 tuổi nên cho ra riêng, đến thành phố khác mà học. Dù là dân Sài Gòn, nên cho ra Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng, Nha Trang…mà học, để chúng tự lập. Học sinh New York thường không học ĐH ở New York là vì vậy. Học sinh Thượng Hải cũng vậy, nếu trường đó chỉ có ở Thượng Hải, chúng sẽ kiên quyết ra ở ký túc xá hoặc ở trọ, cuối tuần về thăm cha mẹ.
Cần phải được độc lập về lựa chọn mỗi ngày. Sáng ăn gì, trưa ăn gì, tối ăn gì, mua đồ ở đâu, nên mua hay không mua, nên chơi với A hay với B, nên ở chỗ này hay ở chỗ khác, nên học ngành này hay ngành khác, nên làm chỗ này hay chỗ khác, nên ở thành phố này hay thành phố khác, nên đi làm hay học lên, nên khởi nghiệp hay làm sếp ở các tập đoàn, nên lập gia đình hay chưa hay ở vậy, nên lấy A hay lấy B, nên x hay nên y…
Ai càng nhanh ra quyết định từ nhỏ về sự lựa chọn, thì người đó làm kinh tế càng giỏi.
Hơn 18 tuổi, cần tách ra khỏi cha mẹ, không nên sống với họ nữa để đầu óc trưởng thành nhanh chóng, dù họ có làm dữ thế nào, mình cũng mạnh dạn thoát ra, tự quyết cuộc sống của mình. Thường xuyên về thăm họ là tốt nhất. Đó là cuộc sống hiện đại của giới trẻ thế giới, từ Tây sang Đông, chúng ta không thể khác được.
Có nhiều doanh nghiệp khi nhận người, họ thích chọn các bạn trẻ ở riêng từ 18 tuổi. Vì lý do các bạn trẻ này độc lập hơn, ra quyết định nhanh hơn, già dặn hơn, ít ra cũng từng bị căng thẳng khi chủ nhà đuổi, từng ngủ bờ ngủ bụi, từng đói xanh mặt, từng bị bạn trọ lừa, từng bị mất cắp, nhà trọ có đủ thành phần người, vùng miền khác nhau đến….điều mà khi ở chung với cha mẹ, bạn sẽ không bao giờ gặp phải. Vì vậy mà thường trưởng thành hơn.
Bạn đọc và hiểu để áp vào bản thân mình rồi nhé.
Hãy đọc một câu chuyện sau, để rõ thêm nhé:
Con đường xưa em đi…
Một chị bạn kể lớp chị vừa họp lớp sau hơn 20 năm ra trường. Lớp chị có 20% dân ở tỉnh lên, 80% dân thành phố, vì cách tuyển ĐH lúc đó còn lạc hậu, còn thi khối A, B, C, D…và ra trong bộ đề, học sinh ở thành phố có điều kiện luyện trí nhớ bằng cách giải tới giải lui bộ đề này, thuộc lòng từ năm lớp 10 nên dễ đậu hơn.
Ra trường năm 1994, 100% lớp chị đều có việc làm do sinh viên hồi đó ít, việc nhiều. Nước mình mới bình thường hoá quan hệ với Mỹ, rồi sau đó gia nhập Asean, Apec…nên doanh nghiệp nước ngoài sang nhiều, biết tiếng Anh bằng B Anh Văn là đi làm lương mấy trăm đô ngay.
Sau đó là dòng đời xô đẩy. Tính đến bây giờ, lượng doanh nghiệp do bạn học chị làm chủ, 80% là dân tỉnh và 20% dân thành phố.
Chị nói ngày xưa tụi nó (dân tỉnh) ở nhà trọ, đi xe đạp, làm thêm nhiều, ăn mặc quê mùa, có bạn gái phải ngồi 1 góc để khô mồ hôi trước khi bước vào lớp, thấy tụi nó căng thẳng thần kinh, bị chủ nhà trọ đuổi, đi làm thêm bị giật mất tiền, đen đúa gầy còm….vậy mà giờ đi xe hơi đắt tiền, chủ những công ty nhà máy xí nghiệp, con cái học trường quốc tế, nhà biệt thự Thảo Điền Phú Mỹ Hưng, thậm chí có nhà cửa bên Mỹ bên Úc để nghỉ dưỡng.
Còn nhóm chị, hồi đó đứa đi dream lùn đứa đi max, học hết trung tâm Anh ngữ này đến trung tâm tin học kia. Sáng mẹ phát tiền ăn phở, trưa về nhà có cơm mẹ nấu, nhà có phòng riêng, có máy tính, có máy cát set nghe nhạc nghe tiếng Anh…Gọi là nhà có ĐIỀU KIỆN. Nhưng bây giờ, gặp nhau, nhóm chị vẫn bàn về “có nên mua Air Blade hay SH, lãi suất ngân hàng nào nào cao hơn để gửi chút tiền vài ba trăm triệu dư ra”. Chị chen chúc nộp hồ sơ cho con cái tiếp tục trường điểm cấp 1, trường chuyên cấp 2-3 (các trường cũ của chị). Và thế hệ sau (nhóm chị) lại quần quật ôm sách ôm vở giải sin có tính số mol, rồi ô mê ga cộng phi từ mờ sáng đến nửa đêm, mặt mũi chân tay teo tóp vì không vận động, cận mấy độ….để lại tiếp tục thi đậu vào ĐH cũ của chị, y chang “con đường xưa em đi, vàng lên mái tóc thề”.
Nói sao không tự làm ăn, chị nói sợ. Dù kiến thức gì cũng biết, lớp kinh doanh khởi nghiệp làm giàu nào cũng từng học qua. Chị ra trường làm cho các tập đoàn nước ngoài trong các cao ốc, toàn nói chuyện lịch sự bằng tiếng Anh không, giờ xuống phố làm cái gì cũng khó vì không có street smart. Xưa quen không thể dục vận động nhiều nên giờ đi xa chút là chị mệt, nên ra ngoại thành, về tỉnh xây nhà máy xí nghiệp nông trại, tụi chị sao làm được, nắng nóng lắm em. Chị cũng hùn với bạn mở thử quán cà phê nhưng 6 tháng thì dẹp. Thành phố ngày càng chật chội, thương hiệu lớn của nước ngoài như Starbucks, The coffee Bean, Bene…tràn sang, cơ hội khởi nghiệp về dịch vụ ở thành phố càng ngày càng khó. Nên ráng mà giữ job, già cả mà vẫn 8-9h đêm ngồi làm báo cáo trên mấy cao ốc văn phòng, lưng mỏi muốn chết mà không dám về.
Chị nói, “con nhà có điều kiện, tạo điều kiện cho con cái” thật ra là làm mất ý chí của con. Ý chí mới là cái quyết định thành bại của đời người, chứ không phải là “điều kiện học hành tốt nhất” như chị từng nghĩ. Hôm bữa họp lớp, các bạn đều thống nhất vậy.
Con số Pareto 80/20 là chuyện riêng lớp chị.
Nguồn: Facebook Tony Buổi Sáng https://www.facebook.com/TonyBuoiSang
Chỉ có thử, vừa làm vừa học hỏi, quan trọng là đức học hỏi